...
Home » , » Định nghĩa, phân loại, phân biệt và lịch sử phát triển thực phẩm chức năng

Định nghĩa, phân loại, phân biệt và lịch sử phát triển thực phẩm chức năng

Written By Unknown on 2013/05/27 | 20:47

Chương II. Định nghĩa, phân loại, phân biệt
và lịch sử phát triển thực phẩm chức năng

I-    Định nghĩa và tên gọi. [3, 4, 19, 20, 21, 22, 23]

1. Thuật ngữ có liên quan:

1.1. Thực phẩm (Food): Tất cả các chất đã hoặc chưa chế biến nhằm sử dụng cho con người gồm thức ăn, đồ uống, nhai, ngậm, hút và tất cả các chất được sử dụng để sản xuất, chế biến hoặc xử lý thực phẩm, nhưng không bao gồm mỹ phẩm hoặc những chất chỉ được dùng như  dược phẩm.

1.2. Nhãn (Label): Thẻ, dấu hiệu, hình ảnh hoặc một hình thức mô tả được viết, in, ghi, khắc nổi, khắc chìm hoặc gắn vào bao bì thực phẩm.

1.3. Nhãn hiệu hàng hoá (Trade Mark): Là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

1.4. Ghi nhãn (Labelling): Dùng chữ viết hoặc hình ảnh để trình bày các nội dung của nhãn nhằm cung cấp các thông tin về bản chất sản phẩm đó.

1.5. Bao bì (Container): Vật chứa đựng dùng để chứa thực phẩm thành đơn vị để bán. Bao bì (bao gồm cả các lớp bọc) có thể phủ kín hoàn toàn hoặc một phần thực phẩm.

1.6. Bao gói sẵn (Prepackaged): Việc bao gói trước thực phẩm trong bao bì và sẵn sàng để chào bán cho người tiêu dùng.

1.7. Thành phần (Ingredient): Các chất có trong thực phẩm bao gồm cả phụ gia thực phẩm được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm và có mặt trong thành phẩm cho dù có thể ở dạng chuyển hoá.

1.8. Chất dinh dưỡng (Nutrient): Các chất được dùng như một thành phần của thực phẩm nhằm: (1) Cung cấp năng lượng, hoặc (2) cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống, hoặc (3) thiếu chất đó sẽ gây ra những biến đổi đặc trưng về sinh lý, sinh hoá.

1.9. Xơ thực phẩm (Fibre): Chất liệu thực vật hoặc động vật có thể ăn được không bị thuỷ phân bởi các men nội sinh trong hệ tiêu hoá của con người và được xác định bằng phương pháp thống nhất.

1.10. Xác nhận (Claim): Việc ghi nhãn nhằm khẳng định một thực phẩm có những chỉ tiêu chất lượng riêng biệt liên quan đến sự biến đổi về nguồn gốc, thuộc tính dinh dưỡng, bản chất tự nhiên, đặc điểm chế biến, thành phần cấu tạo của thực phẩm đó.

2. Thực phẩm chức năng:
Cho đến nay chưa có một tổ chức quốc tế nào đưa ra định nghĩa đầy đủ về TPCN, mặc dù đã có nhiều Hội nghị quốc tế và khu vực về TPCN. Thuật ngữ “Thực phẩm chức năng”, mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất quốc tế, nhưng được sử dụng rất rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Gần đây các định nghĩa về TPCN được đưa ra nhiều hơn và có xu hướng gần thống nhất với nhau.

+ Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật: Đưa ra định nghĩa thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm ngoài 2 chức năng truyền thống là: Cung cấp các chất dinh dưỡng và thoả mãn nhu cầu cảm quan, còn có chức năng thứ 3 được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học như tác dụng giảm cholesterol, giảm huyết áp, chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột…
+ Hiệp  Hội thực phẩm sức khoẻ và dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế Nhật Bản, định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi. Việc bổ sung hay loại bỏ phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được Bộ Y tế cho phép xác định hiệu quả của thực phẩm đối với sức khoẻ”.
+ Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, định nghĩa: Thực phẩm chức năng là thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ, là bất cứ thực phẩm nào được thay đổi thành phần qua chế biến hoặc có các thành phần của thực phẩm có lợi cho sức khoẻ ngoài thành phần dinh dưỡng truyền thống của nó.
+ Hiệp Hội thông tin thực phẩm quốc tế (IFIC), định nghĩa: “ Thực phẩm chức năng là thực phẩm mang đến những lợi ích cho sức khoẻ vượt xa hơn dinh dưỡng cơ bản”.
+ úc, định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là những thực phẩm có tác dụng đối với sức khoẻ hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Thực phẩm chức năng là thực phẩm gần giống như các thực phẩm truyền thống nhưng nó được chế biến để cho mục đích ăn kiêng hoặc tăng cường các chất dinh dưỡng để nâng cao vai trò sinh lý của chúng khi bị giảm dự trữ. Thực phẩm chức năng là thực phẩm được chế biến, sản xuất theo công thức, chứ không phải là các thực phẩm có sẵn trong tự nhiên”.
+ Hiệp Hội nghiên cứu thực phẩm Leatherhead (châu Âu): Cho rằng khó có thể định nghĩa Thực phẩm chức năng vì sự đa dạng phong phú của nó. Các yếu tố “chức năng” đều có thể bổ sung vào thực phẩm hay nước uống. Tổ chức này cho rằng: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm được chế biến từ thức ăn thiên nhiên, được sử dụng như một phần của chế độ ăn hàng ngày và có khả năng cho một tác dụng sinh lý nào đó khi được sử dụng”.
+ Hàn Quốc: Trong Pháp lệnh về Thực phẩm chức năng (năm 2002) đã có định nghĩa như sau: “Thực phẩm chức năng là sản phẩm được sản xuất, chế biến dưới dạng bột, viên nén, viên nang, hạt, lỏng... có các thành phần hoặc chất có hoạt tính chức năng, chất dinh dưỡng có tác dụng duy trì, thúc đẩy và bảo vệ sức khoẻ”.                                   Điều kiện để sản phẩm lưu hành:
- Bằng chứng khoa học chứng minh hoạt chất an toàn (sơ đồ cây đánh giá an toàn, đánh giá độc tính); hiệu quả (thử nghiệm trên chuột, thử nghiệm lâm sàng, invivo và invitro nằm trong danh mục các chất có hoạt tính do Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm (KFDA) cho phép. Nếu ngoài danh mục phải ghi khuyến cáo về các lợi ích đối với sức khoẻ trên nhãn.
- Phải xây dựng tiêu chuẩn/ đặc trưng kỹ thuật của sản phẩm.
+ Trung Quốc: Không dùng thuật ngữ thực phẩm chức năng mà dùng thuật ngữ: Thực phẩm sức khoẻ, Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã quan niệm: ăn uống và điều trị bệnh có cùng một nguồn gốc và thuốc và thực phẩm có chức năng như nhau. Ví dụ:
- Sâm dùng để điều hoà miễn dịch.
- Vừng đen, trà xanh: Kìm hãm quá trình lão suy.
- Hạt đào, hoa cúc: Điều hoà mỡ máu.
- Củ từ, hoa quả táo gai: Giảm đường huyết.
Bộ Y tế Trung Quốc đã có quy định về Thực phẩm sức khoẻ (11/1996) và định nghĩa như sau: “Thực phẩm sức khoẻ”:
- Là thực phẩm có chức năng đặc biệt đến sức khoẻ, phù hợp cho một nhóm đối tượng nào đó.
- Có tác dụng điều hoà các chức năng của cơ thể và không có mục đích sử dụng điều trị”
+ Rober Froid M: Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 17 về dinh dưỡng (ngày 27-31/8/2001) tại Viên (áo) trong báo cáo “Thực phẩm chức năng: Một thách thức cho tương lai của thế kỷ 21” đã đưa ra định nghĩa: “Một loại thực phẩm được coi là thực phẩm chức năng khi chứng minh được rằng nó tác dụng có lợi đối với một hoặc nhiều chức phận của cơ thể ngoài các tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, khoẻ khoắn và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.
+ Bộ Y tế Việt Nam: Thông thư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 về việc “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng” đã đưa ra định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.
+ Như vậy, có rất nhiều các định nghĩa về thực phẩm chức năng. Song tất cả đều thống nhất cho rằng: Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm nằm giới hạn giữa thực phẩm (truyền thống - Food) và thuốc (Drug).
Thực phẩm chức năng thuộc khoảng giao thoa (còn gọi là vùng xám) giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm - thuốc (Food-Drug).
Khái quát lại có thể đưa ra một định nghĩa như sau: “Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm (hoặc sản phẩm) dùng để hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.

3. Tên gọi:
TPCN tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có tên gọi khác sau:
+ Việt Nam và nhiều nước khác ( như Nhật Bản, Hàn Quốc...):
(1) Thực phẩm chức năng
(2) Thực phẩm bổ sung (vitamin và khoáng chất) - Food Supplement.
(3) Sản phẩm bảo vệ sức khoẻ - Health Produce
(4) Thực phẩm đặc biệt - Food for Special use.
(5) Sản phẩm dinh dưỡng y học - Medical Supplement.
+ Mỹ: Dietary Supplement (thực phẩm bổ sung) và Medical Supplement (thực phẩm y học hay thực phẩm điều trị).
+ EU: Thực phẩm bổ sung (giống như thuật ngữ Dietary Supplement của Mỹ) hoặc thực phẩm thuốc (Nutraceuticals).
+ Trung Quốc: Sản phẩm bảo vệ sức khoẻ hay còn được dịch nguyên bản là Thực phẩm vệ sinh. Chức năng của các sản phẩm này rất rộng, bao gồm cả Dietary Supplement (Thực phẩm bổ sung) và Medical Supplement (Thực phẩm y học hay Thực phẩm điều trị).

II. Phân biệt thực phẩm chức năng với thực phẩm truyền thống và thuốc. [19, 20, 22, 23, 24, 29]

          Thực phẩm chức năng là khoảng giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, nên còn gọi là thực phẩm thuốc (Food- Drug). Nguồn gốc của thực phẩm chức năng là từ sản phẩm cây cỏ và sản phẩm động vật tự nhiên, có cùng nguồn gốc với thuốc y học cổ truyền dân tộc. Xu thế của thế giới, nhất là ở các nước không có nền y học cổ truyền (Đông y) thì tất cả các dạng sản phẩm y học cổ truyền được sản xuất hiện đại hơn và đổi thành thực phẩm chức năng, sản phẩm chức năng với hàm lượng hoạt chất, vi chất ở mức xấp xỉ nhu cầu của cơ thể hàng ngày.

1. Phân biệt TPCN và thực phẩm truyền thống:

Bảng 1: Sự khác nhau giữa thực phẩm truyền thống và TPCN
TT
Tiêu chí
Thực phẩm truyền thống
Thực phẩm chức năng
1
Chức năng:
1. Cung cấp các chất dinh dưỡng.
2. Thỏa mãn về nhu cầu cảm quan.
1. Cung cấp các chất dinh dưỡng.
2. Chức năng cảm quan.
3. Lợi ích vượt trội về sức khỏe (giảm cholesterol, giảm HA, chống táo bón, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột…)
2
Chế biến:
Chế biến theo công thức thô (không loại bỏ được chất bất lợi).
Chế biến theo công thức tinh (bổ sung thành phần có lợi, loại bỏ thành phần bất lợi) được chứng minh khoa học và cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
3
Tác dụng tạo năng lượng:
Tạo ra năng lượng cao.
Ít tạo ra năng lượng.
4
Liều dùng:
Số lượng lớn.
Số lượng rất nhỏ.
5
Đối tượng sử dụng:
Mọi đối tượng.
-   Mọi đối tượng.
-   Có định hướng cho các đối tượng: Người già, trẻ em, phụ nữ mãn kinh…
6
Nguồn gốc nguyên liệu:
Nguyên liệu thô từ thực vật, động vật (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng…) có nguồn gốc tự nhiên.
- Hoạt chất, chất chiết từ thực vật, động vật và vi sinh vật (nguồn gốc tự nhiên).
7
Thời gian và phương thức dùng:
-   Thường xuyên, suốt đời.
-   Khó sử dụng cho người ốm, già, bệnh lý đặc biệt.
-   Thường xuyên, suốt đời.
-   Có sản phẩm cho các đối tượng đặc biệt.

2. Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc:


                  Bảng 2: Sự khác nhau giữa Thực phẩm chức năng và thuốc

TT
Tiêu chí
Thực phẩm chức năng
Thuốc
1
Định nghĩa:
Là sản phẩm dùng để hỗ trợ (phục hồi, tăng cường và duy trì) các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.
Là chất hoặc hỗn hợp chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng (Luật Dược-2005).
2
Công bố trên nhãn của nhà sản xuất:
Là Thực phẩm chức năng (sản xuất theo luật TP).
Là thuốc (vì sản xuất theo Luật Dược).
3
Hàm lượng chất, hoạt chất:
Không quá 3 lần mức nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Cao.
4
Ghi nhãn:
- Là TPCN.
- Hỗ trợ các chức năng của các bộ phận cơ thể.
- Là thuốc.
- Có chỉ định, liều dùng, chống chỉ định.
5
Điều kiện sử dụng:
Người tiêu dùng tự mua ở cửa hàng, siêu thị.
Phải có chỉ định, kê đơn của bác sĩ, mua ở nhà thuốc.
6
Đối tượng dùng:
- Người bệnh.
- Người khỏe.
- Người bệnh.
7
Điều kiện phân phối:
Bán lẻ, siêu thị, trực tiếp, đa cấp.
- Tại hiệu thuốc có dược sĩ.
- Cấm bán hàng đa cấp.
8
Cách dùng:
- Thường xuyên, liên tục.
- Không biến chứng, không hạn chế.
- Từng đợt.
- Nguy cơ biến chứng, tai biến.
9
Nguồn gốc nguyên liệu:
Nguồn gốc tự nhiên.
- Nguồn gốc tự nhiên.
- Nguồn gốc tổng hợp.

Hình 2: Thực phẩm chức năng, thực phẩm và thuốc
H02.jpg

III.  Lịch sử phát triển của Thực phẩm chức năng. [4, 9, 17, 30]

Từ vài thập kỷ qua, TPCN phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Chúng ta đã biết, sự phát hiện tác dụng sinh năng lượng và vai trò các thành phần dinh dưỡng thiết yếu đã giúp loài người từng bước hiểu được các bí mật của thức ăn và kiểm soát được nhiều bệnh tật và vấn đề sức khoẻ liên quan. Cho đến nay, con người mặc dù sử dụng thực phẩm hàng ngày nhưng vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về các thành phần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, về tác động của thực phẩm tới các chức năng sinh lý của con người. Các đại danh y như Hypocrates, Tuệ Tĩnh đều quan niệm “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”.

       Loài người ngày càng phát triển, mô hình bệnh tật cũng thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội loài người, đặc biệt từ giữa thế kỷ XX đến nay. Cùng với sự già hoá dân số, tuổi thọ trung bình tăng, lối sống thay đổi, các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm, lối sống ngày càng tăng. Việc chăm sóc, kiểm soát các bệnh đó đặt ra nhiều vấn đề lớn cho y học, y tế và phúc lợi xã hội. Người ta thấy rằng, chế độ ăn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và xử lý với nhiều chứng, bệnh mạn tính. Đó là hướng nghiên cứu và phát triển cho một ngành khoa học mới, khoa học Thực phẩm chức năng.

      ở các nước có nền y học cổ truyền như: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...TPCN được phát triển trên cơ sở “Biện chứng luận về âm dương hoà hợp”, “Hệ thống luận ngũ hành sinh khắc” trên cơ sở về yếu tố Quan tam bảo: Tinh – thần - khí và cơ sở triết học thiên nhân hợp nhất dưới sự soi sáng của y học hiện đại. Các tập đoàn lớn như: Tiens Group, Merro International Biology, Tianjin Jinyao Group… đã kế thừa các truyền thống của y học cổ truyền, áp dụng kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm TPCN.

Đối với các nước không có nền y học cổ truyền Đông phương, các doanh nhân, các nhà khoa học, những người đam mê với nền y học Phương đông, đã đi sâu nghiên cứu, học hỏi và phát triển ra các sản phẩm TPCN ở ngay tại chính nước mình. Ví dụ như các tập đoàn Forever Living Products, Amway  của Mỹ là những tập đoàn đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm TPCN để cung cấp cho con người.               

         Cùng với việc nghiên cứu, khám phá và phát minh ra các sản phẩm TPCN mới, việc đồng thời ban hành các tiêu chuẩn và quy định quản lý cũng được chú ý. Tại Nhật Bản, lần đầu tiên quy định về TPCN trong “Luật cải thiện dinh dưỡng” vào năm 1991. Năm 1996 đã sửa đổi cách phân loại TPCN và đã ban hành được tiêu chuẩn 13 loại Vitamin là thực phẩm dinh dưỡng. Năm 1997 ban hành được tiêu chuẩn 168 loại sản phẩm từ thảo dược. Năm 1998 ban hành tiêu chuẩn 12 loại sản phẩm của khoáng chất. Năm 1999 ban hành tiêu chuẩn sản phẩm dạng viên. Năm 2001 quy định hệ thống TPCN công bố về y tế và năm 2005 sửa đổi bổ sung. Tại Mỹ, luật về TPCN được ban hành từ năm 1994.

      Trên thế giới và khu vực cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để đi tới thống nhất về tên gọi, phân loại, hài hoà các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phương pháp phân tích và phương pháp quản lý. Để giúp cho TPCN phát triển ngày càng lớn mạnh phục vụ cho con người, thế giới đã thành lập Hiệp hội TPCN quốc tế và trong khu vực cũng thành lập Hiệp hội TPCN khu vực.

      Thị trường TPCN là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Đối với nhiều quốc gia, tăng hơn 10% hàng năm. Nhật Bản (Báo cáo của Kzuo Sueki, 2006) năm 2006, các sản phẩm FOSHU đạt 5,5 tỷ USD, các sản phẩm sức khỏe đạt 12,5 tỷ USD. Tại Mỹ (báo cáo của Byron Johnson Esq, 2006), chỉ tính 20 loại sản phẩm TPCN từ thảo dược được bán trên kênh FDM (Food, Drug &Mass Market Retail Stores) đã đạt 249.425.500 USD năm 2005. Nguyên liệu thô từ thảo dược để sản xuất TPCN đạt  386.000.000 USD. Tỷ lệ của FDM chiếm 16% doanh thu của toàn bộ TPCN ở Mỹ. Năm 2007, các TPCN bổ sung Vitamin đạt 7,4 tỷ USD, TPCN nguồn gốc thảo dược đạt 4,5 tỷ USD và TPCN cho thể thao đạt 2,3 tỷ USD. Toàn bộ TPCN ở Mỹ chiếm 32% thị trường TPCN thế giới. Thị trường thế giới năm 2007 đạt 70 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 187 tỷ USD vào năm 2010. Châu Âu năm 2007 đạt 15 tỷ USD, tăng bình quân 16% / năm.

 Việc sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ, phòng bệnh và trị bệnh đã được khám phá từ hàng ngàn năm trước Công nguyên ở Trung Quốc, ấn Độ và Việt Nam. ở Phương Tây, Hypocrates đã tuyên bố từ 2500 năm trước đây: “Hãy để thực phẩm là thuốc của bạn, thuốc là thực phẩm của bạn”.

Có thể nói, lý luận Đông y phát triển nhất trên thế giới là ở Trung Quốc, một nước cũng nghiên cứu nhiều nhất về các loại thực phẩm chức năng. Trung Quốc đã sản xuất, chế biến trên 10.000 loại thực phẩm chức năng. Có những cơ sở đã xuất hàng hoá là thực phẩm chức năng tới trên 100 nước trên thế giới, đem lại một lợi nhuận rất lớn. Các nước nghiên cứu nhiều tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh, Úc và nhiều nước Châu Á, Châu Âu khác.

Do khoa học công nghệ chế biến thực phẩm ngày càng phát triển, người ta càng có khả năng nghiên cứu và sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng phục vụ cho công việc cải thiện sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ, phòng ngừa các bệnh mạn tính, tăng cường chức năng sinh lý của các cơ quan cơ thể khi đã suy yếu… Bằng cách bổ sung thêm “các thành phần có lợi” hoặc lấy ra bớt “các thành phần bất lợi”, người ta đã tạo ra nhiều loại thực phẩm chức năng theo những công thức nhất định phục vụ cho mục đích của con người. Nhờ có khoa học công nghệ, con người ta đã khoa học hoá các lý luận và công nghệ chế biến thực phẩm chức năng. Các dạng thực phẩm chức năng hiện nay rất phong phú. Phần lớn dạng sản phẩm là dạng viên, vì nó thuận lợi cho đóng gói, lưu thông, bảo quản và sử dụng.

IV. Phân loại Thực phẩm chức năng. [3, 4, 5, 13, 20, 21, 22]

1. Phân loại theo phương thức chế biến:

1.1. Bổ sung vitamin:
Ví dụ:
- Nước trái cây với các mùi khác nhau cung cấp nhu cầu vitamin C, vitamin E, b-caroten rất phát triển ở Anh.
- Các viên: One a day, Centrum Cardio.

1.2. Bổ sung khoáng chất.
Ví dụ:
-       Bổ sung Iod vào muối ăn và một số sản phẩm bánh kẹo được phát triển ở trên 100 nước.
-   Sữa bột bổ sung acid Folic, vitamin, khoáng chất rất phát triển ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Pháp, ý, Braxin…
-   Bổ sung vitamin và khoáng chất  vào các loại nước tăng lực được phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
-   Các viên: Calcium, Magnesium, Kẽm, Sắt...

1.3. Bổ sung hoạt chất sinh học.
Ví dụ: Bổ sung DHA, EPA, w-3… vào sữa, thức ăn cho trẻ…

1.4. Bào chế từ thảo dược.
Ví dụ : Viên tảo, Linh chi, Sâm, Đông trùng hạ thảo, trà Hoàn Ngọc, trà Hà thủ ô…

2. Phân loại theo dạng sản phẩm:

2.1. Dạng thực phẩm - thuốc (Food – Drug):

2.1.1. Dạng viên:
- Viên nén.
- Viên nhộng (nang).
- Viên sủi... (ví dụ viên C sủi)
- Viên hoàn...

2.1.2. Dạng nước.

2.1.3. Dạng bột.

2.1.4. Dạng trà.

2.1.5. Dạng rượu.

2.1.6. Dạng cao.

2.1.7. Dạng kẹo...

2.1.8. Dạng thực phẩm cho mục đích đặc biệt (cho người không ăn uống 
qua đường miệng được).

2.2. Dạng thức ăn - thuốc (thức ăn bổ dưỡng, món ăn thuốc, món ăn chữa 
bệnh...)

2.2.1. Cháo thuốc.

2.2.2. Món ăn thuốc.

2.2.3. Món ăn bổ dương.

2.2.4. Canh thuốc.

2.2.5. Nước uống thuốc.


3. Phân loại theo chức năng tác dụng:

3.1. TPCN hỗ trợ chống lão hoá.

3.2. TPCN hỗ trợ tiêu hoá.

3.3. TPCN hỗ trợ giảm huyết áp.

3.4. TPCN hỗ trợ giảm đái tháo đường.

3.5. TPCN tăng cường sinh lực.

3.6. TPCN bổ sung chất xơ.

3.7. TPCN phòng ngừa rối loạn tuần hoàn não.

3.8. TPCN hỗ trợ thần kinh.

3.9. TPCN bổ dưỡng.

3.10. TPCN tăng cường miễn dịch.

3.11. TPCN giảm béo.

3.12. TPCN bổ sung canxi, chống loãng xương.

3.13. TPCN phòng, chống thoái hoá khớp.

3.14. TPCN làm đẹp.

3.15. TPCN bổ mắt.

3.16. TPCN giảm Cholesterol.

3.17. TPCN hỗ trợ điều trị ung thư.

3.18. TPCN phòng chống bệnh Gút.

3.19. Giảm mệt mỏi, chống stress

3.20. Hỗ trợ phòng chống độc.

3.21. Hỗ trợ an thần chống mất ngủ.

3.22. Hỗ trợ phòng chống bệnh răng miệng.

3.23. Hỗ trợ phòng chống bệnh nội tiết.

3.24. Hỗ trợ tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy.

3.25. Hỗ trợ phòng chống bệnh TMH.

3.26. Hỗ trợ phòng chống bệnh về da.

4. Phân loại theo phương thức quản lý:

4.1. Thực phẩm chức năng phải đăng ký, chứng nhận của cục ATVSTP. ở các nước, nếu TPCN thuộc loại phải đăng ký, chứng nhận thì đều do cơ quan quản lý thực phẩm ở Trung ương chịu trách nhiệm.

4.2. TPCN không phải đăng ký chứng nhận mà chỉ công bố của nhà sản xuất về sản xuất theo tiêu chuẩn do cơ quan quản lý thực phẩm ban hành. Thuộc loại này phần lớn là TPCN bổ sung Vitamin và khoáng chất.

4.3. TPCN được sử dụng cho mục đích đặc biệt cần có chỉ định, giám sát của cán bộ y tế. Thuộc loại này là các thực phẩm cho ăn qua sonde, cho các đối tượng đặc biệt nằm bệnh viện, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, nhai nuốt khó...

5. Phân loại theo Nhật Bản:
Theo Nhật Bản, TPCN chia làm 2 nhóm:

5.1. Các thực phẩm công bố về sức khoẻ: Gồm 2 loại

5.1.1. Hệ thống FOSHU (Food for Specific Health Use) – Thực phẩm dùng cho mục đích đặc biệt:

+ Định nghĩa:
- Là các thực phẩm có chứa những chất có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và hoạt tính sinh học của cơ thể con người.
- Thực phẩm có công bố rằng, nếu được sử dụng hàng ngày, có thể mang lại một lợi ích cụ thể đối với sức khỏe.
- Được đánh giá phù hợp với bằng chứng khoa học về tính an toàn, tính hiệu quả chất lượng và được phê chuẩn bởi  Chính Phủ.

+ Phạm vi sử dụng thích hợp:
- Thích hợp cho những người đang có tình trạng ốm đau phát triển, những người có nguyên nhân bệnh tật liên quan đến thói quen ăn uống.
- Hỗ trợ cải thiện thói quen ăn uống và giữ gìn sức khỏe.

+ Điều kiện để được chứng nhận là FOSHU:
- Tính hiệu quả trên cơ thể người được chứng minh rõ ràng.
- Không thể thiếu sự chứng minh về tính an toàn (thử nghiệm độc tính trên động vật, sự xác nhận không có tác dụng phụ, không có biến chứng).
- Lịch sử sử dụng an toàn.
- Việc sử dụng các thành phần dinh dưỡng thích hợp ( ví dụ: không dùng quá nhiều muối…).
- Sự đảm bảo tính tương hợp với các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm theo thời gian tiêu dùng.
- Thiết lập được phương pháp kiểm soát chất lượng, ví dụ như đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, thành phần, quá trình và phương pháp phân tích.

+ Thủ tục chứng nhận FOSHU:
(1) Hội đồng chuyên gia tiến hành đánh giá:
- Hội đồng về các vấn đề dược phẩm và vấn đề vệ sinh thực phẩm đánh giá tính hiệu quả.
- Hội đồng an toàn thực phẩm đánh giá tính an toàn.
(2) Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi ( MHLW) chấp nhận phê chuẩn cho sản phẩm theo FOSHU.


Hình 3:  Quy trình chứng nhận FOSHU

H03.jpg

+ Hệ thống phân loại FOSHU và số sản phẩm đã cấp chứng nhận: (xem bảng 3)

Bảng 3: Hệ thống phân loại FOSHU
(Theo báo cáo của Kazuo Sueki đến 30/11/2006)
TT
Chi tiết khuyến cáo sức khoẻ
Thành phần
(chất dinh dưỡng) chủ yếu bao gồm
Số lượng được cấp phép
Tỷ lệ 617 SP đã được chứng nhận
1
Duy trì (cân bằng) tình trạng dạ dày, cải thiện nhu động ruột
Nhiều loại oligodendroglia, lactulose, Bifidobacteria, nhiều loại vi khuẩn lactic khác nhau, xơ trong chế độ ăn (dextrin không tiêu hoá được, polydextrose, gôm Cyamoposis, vỏ hạt Psyllium).
269
43,6%
2
Liên quan đến đường trong máu
Dextrin không tiêu hoá được, albumin hạt mì, polyphenol trong lá ổi, L-arabinose...
76
12,3%
3
Liên quan đến huyết áp
Lactotori peptide, caseindodeca-peptid, axit geniposidic
70
11,3%
4
Liên quan đến cholesterol
Chitosan, Protein đậu tương, Low-molecular alginate natri nitrate
63
10,2%
5
Liên quan đến răng
Palatinose, maltose, erythritol...
35
5,7%
6
Tình trạng cholesterol và dạ dày, liên quan đến cholesterol và chất béo
Low-molecular alginate natri nitrate, xơ trong chế độ ăn từ vỏ hạt Psyllium…
34
5,6%
7
Liên quan đến xương
Isoflavone trong đậu tương, MPM (protein cơ bản của sữa)...
25
4,1%
8
Liên quan đến chất béo
Diacylglycerol, globin hoá...
34
5,5%
9
Liên quan đến khả năng hấp thu khoáng
Muối canxi của acid citric và acid malic, casein phospho peptide, heme iron, fructooligosaccharide...
9
1,5%

Cộng
617
100%


5.1.2.  Thực phẩm có khuyến cáo chức năng dinh dưỡng (FNFC):

         Các loại thực phẩm có khuyến cáo về chức năng dinh dưỡng (FNFC) nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất) cần thiết cho sự tăng trưởng lành mạnh và phát triển, duy trì sức khoẻ. FNFC dành cho những người có lượng dinh dưỡng ăn vào không đầy đủ do sự già hoá hoặc chế độ ăn bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.
         +  Các loại này ghi nhãn các chức năng của các thành phần dinh dưỡng quy định bởi Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi.
         + Những sản phẩm này được tự do sản xuất và phân phối, không cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
          +  Đến 4/2004 đã thiết lập được các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật về chỉ dẫn chức năng dinh dưỡng cho 17 thành phần (12 vitamin và 5 khoáng chất).

Bảng 4: Quy định 12 loại Vitamin.

TT
Tên gọi
Tác dụng
1.
Niacin.
Hỗ trợ duy trỡ da và niờm mạc khỏe mạnh.
2.
Axit Panthotenic
Hỗ trợ duy trỡ da và niờm mạc khỏe mạnh.
3.
Biotin
Hỗ trợ duy trỡ da và niêm mạc khỏe mạnh.
4.
Vitamin A
Hỗ trợ duy trỡ thị lực trong bóng tối và hỗ trợ da niêm mạc khỏe mạnh.
5.
Vitamin B1
Hỗ trợ sản sinh năng lượng từ carbonhydrat và duy trỡ da niờm mạc khỏe mạnh.
6.
Vitamin B2
Hỗ trợ duy trỡ da, niờm mạc khỏe mạnh.
7.
Vitamin B6
Hỗ trợ sản sinh năng lượng từ protein và duy trỡ da niờm mạc khỏe mạnh.
8.
Vitamin B12
Giúp tạo hồng cầu.
9.
Vitamin C
Giúp da, niêm mạc  khoẻ mạnh và có tác dụng chống ôxy hoá.
10.
Vitamin D
Tăng hấp thu Ca trong ruột, giúp xương phát triển.
11.
Vitamin E
Giúp cơ thể khỏi bị oxy hoá và bảo vệ tế bào..
12.
Acid Folic (B9)
Giúp tạo hồng cầu và phát triển bình thường của bào thai.
                         
Bảng 5: Quy định 5 loại khoáng chất.

TT
Tên gọi
Tác dụng
1.
Canxi (Ca)
Cần cho phát triển xương, răng.
2.
Sắt (Fe)
Cần cho sự hình thành hồng cầu.
3.
Kẽm (Zn)
Cần cho sự duy trì vị giác bình thường, giúp da màng niêm dịch khoẻ mạnh, tham gia vào chuyển hoá protein, acid nucleic, có lợi cho sức khoẻ.
4.
Đồng (Cu)
Giúp tạo hồng cầu, giúp men trong cơ thể hoạt động tốt, giúp tạo xương.
5.
Magiê (Mg)
Cần cho răng, xương phát triển; duy trì tuần hoàn máu tốt, giúp các men trong cơ thể hoạt động tốt và sinh năng lượng.

5.2. Bốn loại thực phẩm đặc biệt:
- Thực phẩm cho người ốm
- Sữa bột trẻ em
- Sữa bột cho phụ nữ có thai và cho con bú
- Thực phẩm cho người già nhai nuốt khó







Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : POWERFUL System | Net+ | Net Plus
Copyright © 2013. Network Marketing - MLM - KDTM - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Phạm Minh Đức
Proudly powered by Blogger