Trung Quốc đang có những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, nhưng thiếu những cải cách trong hệ thống giáo dục và một văn hóa khoan dung trước sự thất bại thì Trung Quốc sẽ không sản sinh ra những Steve Jobs, doanh nhân công nghệ Lý Khai Phục nói trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, và đây là một phần trong một hàng loạt chuyên đề về các thách thức cho các nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc.
Hỏi: Tình hình công nghệ ở Trung Quốc như thế nào khi ông tới đó vào cuối những năm 1990?
Năm 1998, tôi trở lại Trung Quốc để làm việc cho hãng Microsoft và bắt đầu lập các phòng nghiên cứu công nghệ. Thanh niên Trung Quốc mà tôi đã gặp khi ở Mỹ tỏ ra có nhiều tiềm năng và rất khao khát thành công, rất chịu khó làm việc. Tôi cảm thấy với kinh nghiệm của mình tôi có thể giúp họ tận dụng hết tiềm năng của để làm ra những điều tuyệt vời cho chủ công ty của tôi.
Hỏi: Kể từ đó đã có những thay đổi như thế nào thưa ông?
Vào cuối những năm 1990 vẫn còn thiếu sự lãnh đạo trong kinh doanh. Các công ty được xây dựng, nhưng các nhà lãnh đạo lại không có đủ kinh nghiệm để điều hành chúng. Các ngành công nghiệp khi đó nhỏ hơn rất nhiều và có cảm giác như tại một quốc gia lạc hậu.
Mười bốn năm sau, chúng ta thấy một nền kinh tế đầy sôi động với các công ty mạnh và thành công được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm. Vào thời điểm đó, nhiều công ty chỉ chuyên về sản xuất và nay có khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ chưa phải là đi đầu trên thế giới, nhưng họ là những công ty có khả năng với đầu tư công nghệ khá.
Ông Lý Khai Phục, doanh nhân Mỹ gốc Đài Loan, cho rằng Trung Quốc cần cải cách giáo dục
Hỏi: Trung Quốc có khả năng như thế nào trong việc phát triển một ngành công nghệ thực sự sáng tạo?
Tôi cho rằng Trung Quốc đang trên đường để có thể cạnh tranh với Hàn Quốc. Các công ty có thể đưa ra các ý tưởng về sản phẩm mới và hiểu rõ nhu cầu của người sử dụng. Nhưng để bắt kịp với ngành công nghệ Mỹ – với Thung lũng Silicon – thì còn là cả một chặng đường khá khó khăn.
Các công ty như Apple và Google có tính sáng tạo từ gốc rễ, được xây dựng để làm thay đổi thế giới và với những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn. Mỹ có một nền văn hóa chấp nhận thất bại, được thúc đẩy bởi niềm đam mê cá nhân. Các công ty không phải được thành lập để kiếm tiền hoặc để biến những người sáng lập ra công ty thành tỷ phú, mà để xây dựng những công nghệ tuyệt vời.
Trung Quốc là một nhà nước mà mong muốn lớn của các doanh nhân là giành ảnh hưởng và trở nên giàu có. Nó vẫn còn là nơi mà các công ty Trung Quốc hiểu nhu cầu của người dùng và cung cấp cho nhu cầu đó chứ không phải hiểu biết nhu cầu của người dùng mà chính người dùng có thể thậm chí không nhận rõ.
Trước khi đạt tới mức độ sáng tạo đó, Trung Quốc đã phải vượt qua rất nhiều vấn đề về văn hóa, giáo dục, một đất nước nhấn mạnh tới kỷ luật và sự vâng lời. Trong khi đó Silicon Valley thì sáng tạo, đam mê, nổi loạn và không biết sợ. Chính bởi những khác biệt như vậy, sẽ khó có một Steve Jobs hay Mark Zuckerburg được sản sinh ra ở Trung Quốc.
Hỏi: Liệu có thể có đổi mới/sáng kiến thực sự khi xã hội và chính trị là theo kiểu chỉ đạo là từ trên xuống như vậy hay không? Thế còn kiểm duyệt thì sao?
Đổi mới là một phần chủ chốt cho hiện tại và cho kế hoạch 5 năm tới vì thế chính phủ sẽ có cơ hội sử dụng nguồn lực vào các liên doanh, các trường đại học và các nghiên cứu.
Tuy nhiên có một số câu hỏi được đặt ra: quý vị không thể buộc hay ra nghị định để có đổi mới từ các tài trợ hay từ việc lên kế hoạch. Tôi cho rằng các kế hoạch 5 năm sẽ đưa Trung Quốc lên mức như Nam Hàn nhưng Trung Quốc sẽ không đạt tới mức sáng tạo thực sự của những người đi tiên phong như Jobs và Zuckerburg.
Một mặt nó hạn chế những gì người ta có thể làm nhưng nó cũng tạo ra một môi trường mà nhiều công ty Mỹ không thể vào hoạt động hoặc chọn không vào hoạt động. Như vậy sẽ làm giảm tính cạnh tranh và mở cửa thị trường cho các công ty nội địa.
Hỏi: Vậy ông muốn các tân lãnh đạo Trung Quốc làm gì để khuyến khích đổi mới, sáng tạo?
Tôi muốn được thấy đổi mới về giáo dục nhưng được thực hiện một cách đúng đắn, từ từ để hệ thống giáo dục của Trung Quốc có thể duy trì nhũng điều tốt đẹp của nó, như phát triển các kỹ năng cơ bản.
Nhưng điều quan trọng là để một số ảnh hưởng của phương Tây được tràn vào như vậy sinh viên không phải chỉ ngồi trong phòng và làm theo các chỉ thị mà học cách đặt những câu hỏi quan trọng. Việc đưa lối nghĩ có suy xét và tính tò mò có lẽ là điều quan trọng nhất tôi hy vọng sẽ được thấy tại Trung Quốc.
Tôi cho rằng chính phủ cũng cần sử dụng nguồn lực vào việc cho phép các chuyên gia được đưa ra các quyết định quan trọng, vì các quan chức chính phủ không thể là các chuyên gia trong việc quyết định tài trợ cho công ty nào, công nghệ nào được tặng thưởng hay thậm chí kiểu tài năng nào cần được giáo dục hay hoặc để được đưa vào Trung Quốc.
Hỏi: Sức mạnh của microblogs tại Trung Quốc là gì?
Tôi viết một cuốn sách về thay đổi của microblogs ở Trung Quốc. Đó là một điều tôi nghĩ sẽ xảy ra và nó đã xảy ra. Nó tạo nên một diễn đàn cho mọi người đóng góp những ý kiến, suy nghĩ và quan sát của họ cũng như chia sẻ tất cả những điều đó vào thời điểm thực, tức đúng lúc nó xảy ra.
Microblogs phản ánh những sự kiện đang diễn ra như các vấn đề xã hội, tình trạng bất công tại tòa án, tham nhũng tại chính quyền địa phương và thông tin về các sự kiện tại Mỹ, như bầu cử Tổng thống – tất cả những thông tin vốn không thể có được trước đây,
Báo chí do nhà nước làm chủ có một quan điểm chứ không phải nhiều chiều và microblogs mở ra những thông tin mới cho mọi người và ở mức độ nào đó tạo đôi chút tự do ngôn luận và minh bạch. Nó thậm chí có tác dụng như một hình thức truyền thông kiểm tra chính phủ vì khi truyền thông là do nhà nước sở hữu thì nó khó có thể làm được việc đó.
Mặc dù microblogs đã khơi gợi thêm chỉ trích đối với chính phủ, giới chức trách cũng có xu hướng phản ứng có tính xây dựng. Và khi các viên chức chính phủ bắt đầu các microblogs của chính họ, nó đem họ lại gần với người dân hơn.
Hỏi: Liệu chúng ta sẽ được thấy những đổi mới sáng kiến gì từ Trung Quốc?
Trung Quốc có lẽ sẽ không tạo ra các sản phẩm có thể làm thay đổi thế giới. Đổi mới/sáng kiến có lẽ sẽ là từ việc lấy những sản phẩm đã được biết đến và áp dụng chúng vào một bối cảnh khác. Tôi có thể thấy điều đó có hiệu quả ở những lĩnh vực có được sự ủng hộ của chính phủ, những lĩnh vực không cần tới suy nghĩ đột phá nhưng được phép thử nghiệm và được phép thất bại như trong ngành dược và năng lượng thay thế.
Hỏi: Ông cho rằng Trung Quốc sẽ như thế nào trong 10 năm tới?
Thật khó nói. Có nhiều áp lực và mong muốn có cải thiện về luật pháp, có đại diện rộng rãi hơn và minh bạch hơn. Tôi có quan điểm khá khả quan và tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy có tiến bộ.
Vẫn luôn có thể xảy ra những trường hợp đáng tiếc và tôi không thể đánh giá mức độ những thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào. Nếu quý vị có cái nhìn cho thời gian khoảng 3-4 năm thì tiến bộ dường như là không đáng kể nhưng nếu nhìn xa hơn cho khoảng thời gian 8-10 năm thì có lẽ sẽ có tiến bộ về mức độ cởi mở.
___________________________________________
Đôi nét về Lý Khai Phục
Lý Khai Phục hay Kai-Fu Lee (Trung văn giản thể: 李开复; Trung văn phồn thể: 李開復; bính âm: Lǐ Kāifù; born December 3, 1961) là một nhà tư bản, nhà quản trị, người viết sách, nhà khoa học máy tính, blogger người Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Gần đây, ông thường sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông là người đầu tiên trên thế giới phát triển hệ thống nhận diện lời nói liên tục, độc lập với người nói trong đề tài tiến sĩ của ông tại Đại học Carnegie Mellon. Sau đó ông trở thành nhà quản trị công nghệ cao tại Apple, SGI, Microsoft và Google.
Ông đã trở thành chủ đề tranh chấp pháp lý giữa Google và Microsoft (nơi làm việc cũ của ông) năm 2005 xoay quanh thỏa thuận phi cạnh tranh một năm mà ông đã ký với Microsoft năm 2000 khi ông đang làm phó tổng giám đốc công ty này.
Lý Khai Phục là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất trong mảng Internet tại Trung Quốc. Ông từng là giám đốc sáng lập của Google Trung Quốc, làm việc từ tháng 7, 2005 đến ngày 4 tháng 9, 2009. Ông đã tạo ra trang mạng cá nhân "Ngã Học Võng" (我学网) để giúp giới trẻ Trung Quốc vươn lên trong học vấn và sự nghiệp. Với trên 50 triệu người theo dõi, ông là một trong những blogger được theo dõi nhiều nhất tại Trung Quốc, cụ thể là trên trang Sina Weibo.
Wikipedia
Wikipedia
Đăng nhận xét