Dưới đây là danh sách 10 nữ doanh nhân thành công nhất do Tạp chí Forbesbình chọn.
1. Nguyễn Thị Lệ Hồng, 55 tuổi – Chủ tịch HĐQT, CEO Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đông Nai (DOFICO)
Bà là đại diện duy nhất trong ban lãnh đạo Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, một doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh hình thành năm 2005 từ 16 doanh nghiệp thành viên và 4 đơn vị liên kết.
Bà Hồng xác định rõ chiến lược phát triển của DOFICO là tập trung trong ngành công nghiệp thực phẩm. DOFICO đầu tư 1,4 nghìn tỷ đồng vào Donataba, khu liên hợp nông nghiệp lớn đầu tiên của Việt Nam tại Đồng Nai (Agropark).
Nhờ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, kết thúc năm 2012, tổng doanh thu của DOFICO đạt 23 nghìn tỷ đồng, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, nơi bà Hồng làm Chủ tịch HĐQT là doanh nghiệp có sản lượng đứng thứ 2 cả nước với 1,2 triệu tấn/năm.
2. Phạm Thị Việt Nga, 61 tuổi – Chủ tịch Dược Hậu Giang (DHG)
Bà Nga tham gia vào DHG năm 1988 với vai trò là tổng giám đốc và biến một nhóm nhiều công ty nhỏ, suy yếu do nhà nước quản lý đang trên bờ phá sản thành công ty dược niêm yết lớn nhất thị trường.
DHG sản xuất và bán ra thị trường hơn 300 dược phẩm. Công ty còn mở rộng sang bao bì và đóng gói. Năm 2012, lãi ròng của DHG tăng 18%, đạt 24 triệu USD/140 triệu USD doanh thu. DHG niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường hiện nay tăng gấp 55 lần đạt 227 triệu USD.
Bà tham gia Mặt trận giải phóng miền Nam từ năm 14 tuổi. Sau đó, bà đi học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế năm 2004, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2008.
Bà rời vị trí CEO năm 2012 nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT đồng thời vẫn là kiến trúc sư chính thiết kế chiến lược phát triển DHG.
3. Nguyễn Thị Phương Thảo, 43 tuổi – Chủ tịch điều hành Sovico Holding
Ngoài công việc điều hành Sovico, doanh nghiệp hoạt động đa ngành ở 10 quốc gia, bà Phương Thảo còn giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và phó chủ tịch HĐQT hãng hàng không Việt Nam Vietjet Air.
Tại Việt Nam, tập đoàn có vốn điều lệ 1 nghìn tỷ đồng này đầu tư vào ngân hàng, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch hàng không. Năm 2012, khi nền kinh tế gặp khó khăn, HDBank lãi 422 tỷ đồng, với mức tăng tín dụng khoảng 25%. Vietjet Air sau 18 năm hoạt động chiếm 16% thị phần, tính đến 12/2012, theo số liệu tự công bố.
4. Nguyễn Thị Thanh Mai, 61 tuổi – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)
Bà Mai tốt nghiệp kỹ sư điện lạnh tại đại học Kỹ thuật Karl – Marx – Stadt (Đức). Năm 30 tuổi, bà được bổ nhiệm làm giám đốc xí nghiệp và sau vài năm trở thành người dẫn dắt REE phát triển từ một xí nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa ngành trong đó có cơ điện lạnh, bất động sản, đầu tư vào ngành điện, nước.
REE giữ kỷ lục là doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hóa, niêm yết thị trường chứng khoán. REE cũng phát triển Retech thành thương hiệu máy điều hòa đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2008, REE thua lỗ do đầu tư tài chính, bà Thanh Mai thừa nhận sai lầm và sau đó tái cơ cấu danh mục đầu tư để đạt được tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong các năm kế tiếp. Năm 2012, REE đạt được doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 32% và 28% so với năm trước.
5. Đinh Thị Hoa, 52 tuổi – Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Ngân
Bà Hoa sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng lớn lên tại Hà Nội. Là con gái của một nhà ngoại giao, bà du học tại Nga trong những năm 1980. Đầu thập niên 1990, bà là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng quản trị kinh doanh tại đại học Harvard (Mỹ).
Năm 1994, bà cùng ông Trần Vũ Hoài, bạn học tại Harvard thành lập công ty Thên Ngân (Galaxy) và từ đó đến nay đã xây dựng nên 1 nhóm công ty kinh doanh trong lĩnh vực phim ảnh, giải trí, tư vấn và truyền thông.
Galaxy Studio kinh doanh phát hành, rạp chiếu phim, và sản xuất phim, là công ty thành công nhất trong nhóm công ty do bà Hoa điều hành với tư cách là chủ tịch. Tính đến cuối năm 2012, Galaxy chiếm 49% thị phần sản xuất phim, 36% thị phần rạp chiếu phim và 28% thị phần phát hành phim trong cả nước.
Bà Hoa cũng là cổ đông chính của công ty cổ phần chứng khoán Thiên Việt.
6. Trương Thị Lệ Khanh, 52 tuổi, Chủ tịch HĐQT CTCP thủ sản Vĩnh Hoàn
Bà Khanh được mọi người coi là "nữ hoàng" cá ba sa của Việt Nam. Năm 1997, với số vốn 300 triệu đồng, bà lập công ty Vĩnh Hoàn. Bà vạch chiến lược đưa công ty từ một xưởng sản xuất nhỏ thành một công ty lớn, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Năm 2006, Vĩnh Hoàn phát triển vượt bậc khi Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá từ 37,84% xuống còn 6,81%. Ba năm gần đây, Vĩnh Hoàn phát triển thành công ty có doanh thu xuất khẩu cá ba sa cao nhất Việt Nam. Năm 2012, đạt doanh thu xuất khẩu 174 triệu USD.
Bà Khanh thể hiện tầm nhìn của mình thông qua việc xây dựng Vĩnh Hoàn theo mô hình chuỗi giá trị đầu tư kép từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho tới nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Hiện tại, Vĩnh Hoàn đang xây dựng thêm nhà máy chiết xuất collagen từ phụ phẩm cá. Từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2007, chưa đầy 5 năm, doanh thu tăng 3 lần trong khi lợi nhuận tăng 4 lần.
7. Cao Thị Ngọc Dung, 56 tuổi, Chủ tịch HĐQT, CEO, công ty PNJ
Bà Dung lãnh đạo Công ty cổ phần đá quý Phú Nhuận, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, từ năm 1988. Bà có công trong việc xây dựng thương hiệu vàng nữ trang PNJ và công ty trở thành doanh nghiệp có nền tảng và thị phần hàng đầu trong lĩnh vực trang sức tại Việt Nam.
Từ 2009 - 2012, mức sinh lợi trên vốn chủ sở hữu trung bình của PNJ đạt khoảng 22%. Sau khi ngừng hoạt động sản xuất vàng miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, PNJ tập trung toàn bộ nguồn lực vào sản xuất vàng trang sức. Lợi nhuận sau thuế năm ngoái của PNJ là 250 tỷ đồng.
Ngoài PNJ, bà còn là người có ảnh hưởng tới Ngân hàng TMPCP Đông Á, nơi chồng bà, ông Trần Phương Bình tham gia sáng lập và hiện là Tổng giám đốc.
8. Mai Kiều Liên, 59 tuổi – Chủ tịch, CEO Vinamilk
Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất và coorphieesu blue - chip tại Việt Nam có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết năm 2006. Vinamilk đạt 23% tăng trưởng doanh thu năm 2012 với 1,3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế tăng gần 40% đạt 280 triệu USD.
Bà Liên lèo lái Vinamilk ra thị trường quốc tế, công ty hiện xuất khẩu sang 23 quốc gia.
Bà sinh ra tại Pháp, được đào tạo tại Moscow và quay về Việt Nam năm 1976. Bà gia nhập công ty Sữa - Cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk do nhà nước quản lý. Bà có quan điểm bảo thủ về tài chính, tránh vay mượn, đòn bẩy.
Theo tạp chí Corporate Governance Asia (Hong Kong) thì bà là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách "Những CEO thành công nhất châu Á 2012". Vinamilk được cho là ứng viên có thể lọt vào danh sách Fab 50 (50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương do Forbes châu Á bình chọn).
9. Trần Thị Hường (Tư Hường), 77 tuổi – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Toàn Cầu
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chưa học hết lớp 5 nhưng sau gần nửa thế kỷ kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, từ bất động sản đến mua bán nhà máy, doanh nghiệp, bà Trần Thị Hường (Tư Hường) được giới doanh nhân Việt Nam nhìn nhận là một trong những gương mặt nữ doanh nhân kỳ cựu nhất hiện nay.
Tập đàn Hoàn Cầu của gia đình bà là cổ đông lớn của ngân hàng Nam Á và sở hữu hàng ngàn hecta bất động sản trên cả nước, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dự án như Diamond Bay (Nha Trang).
Bà từng là nhà thầu bao tiêu toàn bộ sản lượng yến sào tại Khánh Hòa.
10. Nguyễn Thị Nga, 58 tuổi – Chủ tịch HĐQT BRG Group – Intimex - Seabank
Bà được biết đến nhiều từ các dự án sân gôn ở phía Bắc và việc mạnh dạn đầu tư vào chuỗi khách sạn mang thương hiệu Hilton tại Hà Nội. Bà hiện đang nắm chức Chủ tịch công ty Intimex Việt Nam và là Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).Sinh năm 1955, có bằng Đại học Kinh tế Quốc dân, bà Nga từng làm chủ tịch ngân hàng Techcombank và hiện là chủ tịch tập đoàn kinh tế BRG, đầu tư trải rộng từ ngân hàng, kinh doanh xuất nhập khẩu, bán lẻ đến dịch vụ thể thao du lịch.
Đăng nhận xét